Giữa tháng 12, tại hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú, Tổ hợp tác Quyết Thắng, thị trấn An Lạc Thôn, Sóc Trăng, 2 tấn vú sữa đầu tiên của Sóc Trăng chính thức đóng thùng đi… Mỹ.
Chuyện trái cây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ không mới. Tuy nhiên, trái vú sữa Sóc Trăng đạt chuẩn VietGAP được xuất khẩu sang Mỹ mở ra cách nhìn mới về cây trái miền Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bởi trái vú sữa lâu nay bán chợ là chủ yếu.
Theo hợp đồng đầu tiên, Công ty VINA T&T ký kết thu mua với hợp tác xã Trinh Phú, thu mua khoảng 200 tấn. Giá vú sữa đạt chuẩn giá 30.000 đồng/kg, gấp đôi so với thời giá hiện nay (nhà vườn bán thương lái 11.000 đồng/kg). Ông Nguyễn Thành Phước – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Sóc Trăng – cho biết: Các vườn cây phải được cấp mã code và đáp ứng các các yêu cầu như: Phải bao trái, không dùng thuốc bảo vệ thực vật…
Đến tháng 10.2018 hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách được cấp 2 mã code vùng trồng cây vú sữa tím với diện tích hơn 30ha, có 22 hộ nhà vườn thành viên của hợp tác xã tham gia và tổ hợp tác Quyết Thắng – xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách được cấp 1 mã code vùng trồng cây vú sữa tím với diện tích 15,5ha có 22 hộ tham gia. Sắp tới sẽ có thêm công ty xuất nhập khẩu Mộc Phát đề nghị cấp mã code vùng trồng vú sữa tím với 9,81ha (10 nhà vườn đăng ký tham gia) và vú sữa Lò Rèn 8,01ha (7 nhà vườn tham gia) nhắm xuất khẩu vào thị trường cao cấp.
Hiện nay tỉnh Sóc Trăng có diện tích vườn cây ăn trái hơn 29.000ha phân bố tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Cù Lao Dung, Châu Thành. Trong đó riêng diện tích vườn cây vú sữa có hơn 1.545ha tập trung nhiều nhất tại huyện Kế Sách (1.524ha).
Trước đó, khoảng 400 tấn vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim tỉnh Tiền Giang cung ứng xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào cuối năm nay. So với năm ngoái, số lượng trái vú sữa xuất khẩu đã tăng gấp nhiều lần. Nông dân trồng vú sữa lò rèn Vĩnh Kim đang háo hức với vụ mùa mới. Giá thu mua xuất khẩu trung bình 28.000đ/kg.
Việc cây trái ĐBSCL xâm nhập thị trường Mỹ cho thấy, cây trái vùng sông nước này hoàn toàn có thể xuất khẩu vào thị trường khó tính. Liên kết để cây trái Việt nâng cao chuỗi giá trị lợi cả đôi đường. Câu chuyện này lý ra được thực hiện từ rất lâu chứ không phải bây giờ. Tiếc, nhưng dẫu sao muộn vẫn còn hơn không.