Thiệt hại hàng tỉ đồng vì mua giống cà chua rita giả

Nhiều gia đình, doanh nghiệp chuyên canh cây cà chua tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng) đang “ngậm phải trái đắng”, thiệt hại kinh tế hàng tỉ đồng vì mua và trồng trúng giống cà chua rita giả, không rõ nguồn gốc, cho chất lượng thấp lại nhiều sâu bệnh.

Theo đó, huyện Đơn Dương vốn được xem là “thủ phủ” cà chua Việt Nam với diện tích canh tác mỗi năm lên tới hàng nghìn hecta cùng nhiều giống cà chua khác nhau. Những năm gần đây, loại cà chua được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ mạnh và đem lại lợi nhuận cao nhất cho người trồng chính là cà chua giống rita. Loại này có khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn hẳn các loại cà chua khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, ngụ xã Pró, huyện Đơn Dương cho biết, tháng 4-2018, gia đình bà tới một cơ sở chuyên cung cấp cây cà chua giống trên địa bàn huyện để mua 10.000 cây cà chua rita về trồng. Cùng thời điểm này, hàng xóm là bà Nguyễn Thị Tú cũng tới cơ sở cung cấp giống trên mua 7.000 cây cà chua rita đem về xuống giống. Tuy nhiên, hơn 4 tháng sau, khi vườn cà chua bắt đầu cho trái thì gia đình bà Tú và bà Hương đều phát hiện những dấu hiệu lạ trên cây cà chua.

“Cây sinh trưởng nhanh nhưng sức đề kháng kém, bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp, hình dáng trái không giống cà chua rita. Khi đem bán, các thương lái nhìn qua có thể biết ngay đó cà chua giống khác nên họ đưa ra giá rất thấp chỉ 5.500 đồng/kg” – bà Tú cho biết.

Cũng liên quan đến giống cà chua, chủ một doanh nghiệp tại huyện Đức Trọng đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện một cơ sở cung cấp giống tại huyện Đơn Dương do “mua giống này bán giống khác”, dẫn đến doanh nghiệp thiệt hại gần 3 tỉ đồng. Theo lý giải của doanh nghiệp này, do không phải giống cà chua rita nên đơn vị chỉ bán được với giá cao nhất là 5.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm đó, cà chua rita đang được bán với giá 21.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc công ty trên cho biết, từ ngày 29-7 tới 25-8, ông đã 4 lần mua giống cà chua rita tại một vườn ươm ở xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương về trồng trên diện tích hơn 2,2ha trong nhà kính. Khi vườn cà chua bắt đầu cho lứa trái đầu tiên thì xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường.

“Vườn cà chua bị bệnh bã trầu trên diện rộng mặc dù cà chua được trồng trong nhà kính. Trái rất mau mềm, hình dáng khác hẳn với cà chua giống rita dài, vốn duỗi thẳng, trái hình trứng và cứng” – ông Quý cho biết. Do không phải là cà chua giống rita nên đơn vị nhận bao tiêu sản phẩm đã từ chối thu mua theo như hai bên giao kết ban đầu.

Không bán được với giá 21.000 đồng/kg như cà chua rita, doanh nghiệp của ông Quý buộc phải chở cà chua ra chợ Đức Trọng, Đơn Dương bán cho thương lái với giá cao nhất chỉ 5.000 đồng/kg. Hiện nay, doanh nghiệp của ông Quý vẫn còn khoảng 1,5ha cà chua không rõ nguồn gốc chưa cho thu hoạch hết nhưng giá bán chỉ khoảng 3.000 đồng/kg, trong khi giá cà chua rita hiện đang là 11.000 đồng/kg.

Để chứng minh 86.000 cây giống cà chua mua từ cơ sở vườn ươm trên không phải là giống rita, ông Quý đã làm đơn kiến nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, Phòng NN&PTNT huyện Đơn Dương cùng nhiều đơn vị khác, đặc biệt là công ty cung cấp hạt giống cà chua rita độc quyền, đồng thời phân phối ủy quyền cho 3 chi nhánh tại tỉnh Lâm Đồng vào cuộc xác minh.

Đại diện công ty cung cấp giống cà chua rita độc quyền trên ở Lâm Đồng cho biết, giống cà chua tại doanh nghiệp của ông Quý gần như toàn bộ trên diện tích 2,2ha không phải là giống cà chua rita do đơn vị cung cấp. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cũng khẳng định trên diện tích 2,2ha cà chua được kiểm tra ngày 20-11 có tới hơn 90% không phải là giống cà chua rita.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Đơn Dương, hiện nay trên địa bàn có khoảng 20 cơ sở ươm giống cà chua với một số loại giống có bản quyền được các công ty tại TP Hồ Chí Minh phân phối hạt giống qua các đại lý ủy quyền trên địa bàn. Hiện nay có khoảng 90% cà chua rita được người dân ưa chuộng chọn trồng do loại cây giống này cho năng suất tốt, trái cứng, dễ bảo quản và vận chuyển đi xa, ít sâu bệnh…

Đặc biệt, khi mua bán giống các loại cây trồng, người dân chủ yếu tin tưởng nhau và giao tiền cho chủ vườn ươm, thường không có hóa đơn chứng từ chứng minh việc mua bán giống loại nào. Khi xảy ra tranh chấp về giống cây trồng, cơ quan chức năng rất khó khăn trong công tác xác minh, giải quyết và hầu hết phần thiệt thòi thuộc về người nông dân mua giống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít gia đình tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng từ tháng 4-2018 đến nay đã mua phải giống cà chua trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ một số vườn ươm trên địa bàn huyện Đơn Dương. Phần lớn các gia đình gieo trồng 1.000 – 3.000m2 nên khi phát hiện giống cà chua lạ, cho năng suất, chất lượng và giá bán thấp thì tự chịu trách nhiệm, nhận phần thiệt thòi về mình chứ không khiếu nại tới các cơ quan quản lý Nhà nước nhờ can thiệp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo
Chat Facebook
0985 944444
02836221411
1
Bạn cần hỗ trợ?