Bằng việc thay đổi giống cây trồng và quy trình chăm sóc, nhiều nông dân vừa tạo thành công cho gia đình ngay chính trên mảnh vườn nhà vừa chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều người và tạo việc làm
Ở ấp Vàm Lịch (xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), lão nông Nguyễn Văn Phúc (60 tuổi) hiện đang phải tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn IDo cho nông dân khắp mọi miền đất nước gọi điện thoại về.
Bảo đảm nguyên tắc 4 đúng
Ông Phúc có 40.000 m2 đất vườn trồng đủ bưởi, cam, chôm chôm… nhưng hiệu quả không cao. Năm 1982, phát hiện từ gia đình người thân ở tỉnh Bến Tre có giống nhãn IDo (nguồn gốc Thái Lan) khả năng đột phá trên đồng đất Vĩnh Long, ông quyết định trồng thử nghiệm trên 4.000 m2 đất nhưng nhiều năm liền thất bại. Không chịu thua, ông mạnh dạn ghép nhãn IDo với giống nhãn truyền thống của Vĩnh Long. Kết quả cây phát triển tốt, cho trái nhiều, màu sắc đẹp, cơm dày, hạt nhỏ, mùi thơm dịu thanh. Từ đó, ông nhân rộng loại nhãn ghép này trên toàn bộ 40.000 m2 đất vườn.
Bà Trần Thị Hiền và vườn sầu riêng tại xã An Phước
Điều rất độc đáo nữa ở lão nông này chính là việc nghiên cứu thành công phương pháp xử lý để vườn nhãn cho trái từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 3 âm lịch của năm sau. “Nhãn IDo có rất nhiều tại Thái Lan và một số nước lân cận nhưng chỉ cho trái trong khoảng từ ngày 15-7 đến 15-10 âm lịch nên tui cho ra trái không trùng thời gian với họ để tránh rớt giá khi xuất khẩu”. Để nhãn ra trái đúng khi cần, ngoài việc áp dụng một số biện pháp kỹ thuật, theo ông Phúc, phải bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” trên cây trồng: Đúng phân thuốc, đúng liều, đúng thời điểm, đúng cách. Với phân, ông phun phân kali trên lá, thân cây và bón thêm Kali Clorat dưới gốc. Với cách bón phân này, vườn nhãn của ông rất an toàn trong khi bệnh chổi rồng tàn phá các vườn nhãn xung quanh nhiều năm gần đây.
Hiện bình quân mỗi năm, vườn nhãn của ông Phúc luôn đạt trên 100 tấn trái, có năm đến 120 tấn, trừ chi phí còn lãi từ 3-3,5 tỉ đồng. Khi đã có kinh nghiệm, ông mở trang thông tin điện tử cá nhân với các tư liệu liên quan việc trồng nhãn IDo để ai cần thì quan tâm cập nhật. Với kết quả lao động của chính mình, nông dân Nguyễn Văn Phúc đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và đang được tỉnh Vĩnh Long đề nghị nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng 3.
Tiếp nối thắng lợi
Trên thửa đất đang ươm hàng chục ngàn gốc cây non sầu riêng tại xã An Phước (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), bà Trần Thị Hiền (61 tuổi) phấn khởi kể: “Toàn bộ cây non này đã được thương lái bao tiêu hết rồi. Năm nay giá khá hơn trước, chắc kiếm được vài tỉ đồng. Mừng quá!”.
Năm 1990, thấy nhiều nhà vườn ở tỉnh Bến Tre chuyên bán cây giống sầu riêng nhưng thiếu đất sản xuất cây non để ghép các giống sầu riêng với nhau, bà Hiền mua hạt về thử nghiệm. Đất không phụ lòng người, ở vụ đầu tiên, bà ươm thành công khoảng 50.000 cây non trên diện tích 4 công đất vườn, với giá bán 3.000-4.000 đồng/cây, trừ chi phí còn lãi trên 150 triệu đồng. Hạt sầu riêng giống sau khi được tuyển chọn được bà cấy xuống nền đất xốp với mật độ 500 kg hạt/công, hạt lên mầm thì bẻ bỏ phần hạt bên dưới và chuyển mầm xuống các bờ liếp khác với khoảng cách từ 10-20 cm. Chừng 15 tháng sau bắt đầu bán cho thương lái mang về cấy ghép các loại giống sầu riêng theo ý muốn.
Thắng lợi tiếp nối thắng lợi, hiện bà Hiền mạnh dạn thuê hơn 20.000 m2 đất để sản xuất trên 200.000 cây non sầu riêng và dự đoán sẽ thu về trên 2 tỉ đồng. Năm 2016, bà xuất bán trên 100.000 cây giống, trừ chi phí còn lãi gần 1 tỉ đồng. Ngoài sầu riêng, năm nay bà còn chuẩn bị xuất bán 100.000 cây mít con, 50.000 cây bưởi giống, dự kiến thu về từ 1,2-1,5 tỉ đồng. Bà phấn khởi cho biết thương lái đã đặt cọc 500 triệu đồng để thu mua toàn bộ số cây giống này. Chưa kể số cây trồng xen canh trên 15.000 m2 đất vườn sầu riêng đang cho trái rất sai, dự báo mang về thêm khoản thu nhập 200-300 triệu đồng. Tính chung sẽ có trên 3 tỉ đồng, quả là ấn tượng.
Tỉ phú cây ăn trái
Ông Nguyễn Công Minh (65 tuổi; ngụ xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) có trên 40 năm gắn bó với 20.000 m2 đất vườn măng cụt, hằng năm thu hoạch trên 15 tấn trái. Vua “măng cụt” đất Thạnh Xuân này cho biết trồng măng cụt quan trọng nhất là khâu xử lý nước tưới phải phù hợp, tuân thủ nghiêm số lần và khoảng cách các lần phun thuốc, chủ động được thời điểm ra hoa.
Thấy vườn măng cụt của ông hiệu quả, nhiều nông dân từ các địa phương và sinh viên các trường đại học đến tham quan, tìm hiểu cách chăm sóc và đều được ông đáp ứng nhiệt tình. Ông còn tham gia hướng dẫn nông dân cách trồng măng cụt tại các buổi hội thảo do huyện, xã tổ chức.
Gần đây, vua “măng cụt” Nguyễn Công Minh lại được nông dân địa phương nể phục về chuyện trồng cam sành. Hiện ông đang có khu vườn 10.000 m2 trồng cam sành. Năm 2010 thu hoạch 10 tấn trái, thu 200 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục đốn bỏ 10.000 m2 quýt đường để trồng cam sành. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm thu nhập 400-500 triệu đồng từ cam sành. Chỉ với 2 nguồn thu chủ lực là cam sành và măng cụt, mỗi năm ông có xấp xỉ 1 tỉ đồng. Chưa dừng lại, ông Minh vừa trồng mới 10.000 m2 bưởi da xanh và ước tính từ năm 2018, nếu giá bán ổn định thì mỗi năm có thêm 200-300 triệu đồng.
Ông Minh chia sẻ kinh nghiệm: “Trồng cam sành và bưởi da xanh phải quan tâm đến khâu xử lý nước vừa phải để giữ độ ẩm, không được dư hoặc thiếu nước, phải dùng bao để bọc trái cam nơi có nhiều ánh nắng, xử lý sao cho cam ra hoa vào thời điểm tháng 8 và 9 âm lịch là thích hợp nhất”.
Tạo việc làm cho hàng chục lao động
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, bà Trần Thị Hiền còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động thông qua việc chăm sóc cây giống, 15 công vườn sầu riêng, hàng chục ao nuôi thủy sản. Bình quân mỗi lao động nam thu nhập từ 180.000-200.000 đồng/ngày, lao động nữ từ 100.000-120.000 đồng/ngày. Bà Hiền còn sẵn sàng hướng dẫn cho nhiều nông dân về các biện pháp chăm sóc ruộng vườn, kể cả việc ươm cây non.