Mỹ gia tăng sức ép với Trung Quốc

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross bóng gió về khả năng nước này phối hợp với các đối tác thương mại khác để gây sức ép buộc Trung Quốc mở cửa thị trường, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ và giảm bớt bảo hộ công nghiệp.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 5-10, ông Ross tiết lộ “điều khoản thuốc độc” mà Mỹ đạt được gần đây trong hiệp định thương mại mới với Canada và Mexico, có tên gọi Thỏa thuận Mỹ – Mexico – Canada (USMCA), dự kiến thay thế Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ được “nhân bản”.

Điều khoản này cho phép Washington phủ quyết các đối tác thương mại tự do khác của Canada và Mexico nếu nền kinh tế của họ không đáp ứng các quy luật thị trường cũng như bị nhà nước chi phối. Đây chính là lập luận cốt lõi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra khi tuyên chiến thương mại với Trung Quốc.

Mỹ đang trong giai đoạn đầu đàm phán với Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) về việc hạ thấp các rào cản thuế và luật lệ, đồng thời giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong lĩnh vực ôtô và các hàng hóa khác. Nếu chịu ký “điều khoản thuốc độc”, EU và Nhật ngụ ý họ hoàn toàn sát cánh với Mỹ trong việc gia tăng sức ép để buộc nền kinh tế số 2 thế giới có những thay đổi lớn về chính sách kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Mỹ có thể tạm chuyển hướng chiến lược, thay vì tăng nhiệt cuộc chiến thương mại thì cân nhắc các biện pháp trừng phạt phi thuế quan khác nhằm vào Trung Quốc. Nguyên nhân chính yếu của sự chuyển hướng này là để tránh phản ứng của cử tri Mỹ trước kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6-11.

Báo South China Morning Post dẫn lời ông Josh Green, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty dữ liệu Panjiva, nhận định áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – như ông Trump nhiều lần đe dọa – sẽ đẩy giá cả leo thang, kể cả những mặt hàng tiêu dùng như điện thoại di động, đồ chơi…

Thay cho thuế quan, sắp tới, Mỹ có thể gây sức ép trong lĩnh vực quân sự sau lần trừng phạt quân đội Trung Quốc vì mua vũ khí Nga hồi cuối tháng 9. Gọi đây là “bước một” trong chiến thuật trừng phạt phi thuế quan của Washington, ông Derek Scissors, học giả Viện Doanh nghiệp Mỹ, phân tích: “Người Trung Quốc không lường trước việc này. Hành động của Mỹ không mang ý nghĩa kinh tế nhưng đó là nguồn mở rộng xung đột lớn và báo trước những biện pháp tiềm tàng khác”.

Một trong số biện pháp tiềm tàng đó là chuỗi tập trận trên không và trên biển ở biển Đông và eo biển Đài Loan vào tháng 11, theo đài CNN. Căng thẳng còn tăng cao khi gần đây, chính phía Mỹ hủy chuyến thăm cấp cao của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Bắc Kinh (dự kiến trong tháng 11).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat Zalo
Chat Facebook
0985 944444
02836221411
1
Bạn cần hỗ trợ?